Back to top

Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

  • Đã có thời cả làng Hồ chỉ còn làm vàng mã, không mấy người mặn mà với di sản văn hóa cha ông để lại – tranh dân gian Đông Hồ. Nặng lòng với giấy dó, màu son nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã vận động con cháu cùng góp của, góp công đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh với mong muốn lưu truyền, quảng bá vốn văn hóa dân tộc.
    Vàng son một thuở
    Theo các nghệ nhân, nghề làm tranh Đông Hồra đời từ khoảng thế kỷ thứ XVI. Thế nhưng, từ khi ra đời đến nay đã hơn 500 năm mà chưa ai nghe nói đến tổ nghề. Dường như tất cả tinh hoa của dòng tranh này đều qua bàn tay các nghệ nhân dân gian mà được lưu truyền, phát triển từ đời này sang đời khác. Thời kỳ thịnh nhất của dòng tranh này là vào khoảng những năm 1940. Thời điểm đó cả 17 dòng họ trong làng đều làm tranh. Xưa, cứ đến tháng Chạp làng lại mở đến 5 phiên chợ bán tranh Tết vào các ngày mùng 6, 11, 16, 21 và 26.
    Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế kể, để chuẩn bị cho các phiên chợ, cả làng tất bật từ tháng sáu, tháng bảy âm lịch. Từ sân mỗi nhà đến sân đình, trên triền đê sông Đuống đâu đâu cũng sáng bừng sắc màu của tranh: sắc đỏ của sỏi son, sắc xanh từ lá chàm hoặc gỉ đồng, sắc vàng của hoa hòe, màu đen của rơm nếp và lá tre, mầu trắng óng ánh từ vỏ sò, vỏ điệp. Đây là những màu cơ bản, không pha trộn. Do số lượng màu tương ứng với số bản khắc của một bức tranh, nên thường tranh Đông Hồ chỉ dùng tới bốn màu. Bản khắc phải làm bằng gỗ cây thị thì mới cho ra những bức tranh sắc nét. 
    Nét dân gian của tranh Đông Hồ không chỉ nằm ở bố cục, hình ảnh rất đặc trưng mà còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Người làng Đông Hồ thường mua giấy dó, làm từ vỏ cây dó, cũng được sản xuất lại Bắc Ninh, sau đó lấy vỏ sò tán nhuyễn trộn với hồ nếp và quét lên giấy dó, đem đi phơi khô. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, người dân nông thôn lại lột bỏ tranh cũ, mua tranh mới về dán lên tường, chơi Tết để rồi gửi gắm vào tranh những mong muốn một năm mới nhiều may mắn. Người am tường thường chọn mua tranh theo bộ, theo đôi như: Vinh hoa với hình ảnh bé ôm gà và Phú quý với hình ảnh bé ôm vịt. Cũng có người lại chọn những bức tranh đơn như: Gà dạ xướng mang ý nghĩa là xua đi những điều không may mắn, đem lộc đến với gia đình hoặc bức Gà thư hùng mang theo ước muốn: “Lắm con nhiều cháu, giống cánh giống lông. No vợ đủ chồng, có đầu có mỏ”.
    Năm tháng qua đi, những chợ phiên ngày ấy nay đã không còn nữa. 

                                             Nặng lòng giấy dó, màu son
    Mấy thập kỷ qua, tranh Đông Hồ lắt lay với cơn gió thị trường. Năm 1967, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Hà Bắc (cũ) ký hợp đồng với Nhật Bản thành lập đội sản xuất tranh. Thời gian đầu đội chỉ in cầm chừng mỗi tháng được trên dưới 1.000 tờ. Từ năm 1970 đến 1985, tranh Đông Hồ được xuất sang các nước trong khối xã hội chủ nghĩa. Thời kỳ này, việc xuất khẩu tranh đạt được kết quả nhiều nhất… Sau hơn nửa thiên niên kỷ tồn tại và phát triển từ thời 17 dòng họ trong làng đều làm tranh, nay hầu hết đều bỏ nghề chỉ còn hai gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam.
    Dòng họ Nguyễn Đăng đến nay đã qua 20 đời nối nghiệp giữ nghề làm tranh. Nặng lòng với giấy dó, màu son nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã vận động con cháu cùng góp của, góp công đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ tại xã Song Hồ. Trung tâm tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 7.000 m2 nằm sát đê sông Đuống, gồm khu trưng bày, xưởng khắc và xưởng in tranh. Ông Chế dự định sẽ tiếp tục huy động vốn để đầu tư xây dựng biến nơi đây vừa là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng, vừa là nơi lưu giữ, giới thiệu những nét đẹp truyền thống của nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ. Trong đó, khu vực chợ quê ngay sát Trung tâm sẽ được đầu tư xây dựng nhằm phục dựng các phiên chợ tranh xưa. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế chia sẻ, vì yêu dòng tranh dân gian Đông Hồ, muốn gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống, di sản quý báu của ông cha để lại nên ông có ý thức trong việc dạy các con nghề làm tranh. Các con ông dù dâu hay rể ai cũng biết pha màu, in tranh. 
    Qua những năm tháng dài của hai cuộc chiến tranh vệ quốc, những bản khắc cổ có giá trị đã bị hư hỏng, thất lạc khá nhiều. Đến nay, cũng chưa có thống kê chính xác số mẫu tranh Đông Hồ gồm bao nhiêu thể loại. Được thừa hưởng từ các bậc tiền nhân, ông Nguyễn Đăng Chế là người lưu giữ hàng trăm bản khắc, khuôn tranh trong đó có nhiều bản khắc gỗ cổ hiếm quý có niên đại cách đây trên 200 năm. Mới đây, một nhà nghiên cứu người Pháp sau khi đến thăm Trung tâm lưu giữ, bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ đã gửi tặng nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế gần 30 mẫu tranh Đông Hồ mà ông ta đã sưu tầm được. Ông Nguyễn Đăng Chế cho hay, đây đều là các mẫu tranh lạ mà ông chưa từng được thấy. Điều này khẳng định mẫu tranh Đông Hồ qua các thời kỳ rất đa dạng, phong phú nhưng do những biến cố của lịch sử đã làm mai một.
    Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tranh Đông Hồ vốn có đề tài khá phong phú, gắn liền với đời sống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và nhất là phản ảnh chân thật đời sống của nhân dân. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược tranh Đông Hồ vẫn dựa trên những đường nét, chất liệu, màu sắc cũ nhưng đã phát triển lên một bậc là miêu tả các đề tài hiện thực lúc bấy giờ như đề tài về Bác Hồ, tăng gia sản xuất, bắn máy bay Mỹ… Đó chính là sự phát triển, tiếp nối của nghệ thuật dân gian qua chính tài năng, tâm huyết của các nghệ nhân, trong đó có nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế.
    Hiền Thu
     
     
     
     
    Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 33, tháng 10/2012