Back to top

Làm đẹp tiếng Hà Thành

  • Con trai về quê sau kỳ nghỉ hè ở Hà Nội, nói chuyện với bạn bằng những câu lạ hoắc như “thấy pờ rồ không?”, “Không phải xoắn”, “chém gió ít thôi”, “cũng same same”… khiến chị Hoàng Thị Hôm ở Tiền Hải, Thái Bình không hiểu được gì. Cậu con trai học lớp 8 thì hãnh diện “ngôn ngữ hiện đại của học sinh Hà Nội đấy mẹ ạ” còn chị ngẩn người băn khoăn “trước đây sống ở Hà Nội gần chục năm thấy tiếng Hà Nội đâu có khó hiểu đến thế! (?)”
    Theo chị Hôm, ngôn ngữ của học sinh Thủ đô không chỉ có ảnh hưởng đối với những người sống cùng Thành phố mà còn ảnh hưởng tới văn hóa giao tiếp, ngôn ngữ của giới trẻ thuộc nhiều vùng miền khác nhau. Nhiều người cũng phàn nàn rằng hiện nay, nếu không trò chuyện và “học” ngôn ngữ của các bạn trẻ thì khó mà hiểu được các em đang nói gì. Nghe có khi còn dễ, chứ đọc tin nhắn của các em thì chẳng khác bị ném vào trận đồ bát quái!
    Từ ngôn ngữ chát, ngôn ngữ lai căng…
    Đã nhiều năm nay, ngôn ngữ chát phát triển mạnh mẽ trong giới trẻ. Đây là thứ ngôn ngữ được kết hợp giữa tiếng Việt với các cách viết tắt tùy tiện, những ký tự khó hiểu rồi chêm đệm các từ tiếng Anh vô tội vạ. Về mặt khoa học, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Mai Xuân Huy, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam trong một bài phỏng vấn đã cho biết: Ngôn ngữ chát, hay nói rộng ra, ngôn ngữ @ là hiện tượng mới do thanh thiếu niên hiện nay thường dùng. Ngôn ngữ này xuất hiện từ khi có sự bùng nổ của Internet đồng thời với  sự thay đổi của xã hội. Đây là một hiện tượng bình thường của ngôn ngữ – xã hội, nó như là một quy luật tự nhiên. Xã hội cởi mở, dòng thông tin, lối sống phong cách phương Tây ồ ạt  tràn vào Việt Nam. Giới trẻ học tập, sáng tạo, áp dụng và làm ra cái mới của riêng họ, để thể hiện mình. Về mặt ngôn ngữ học, ngôn ngữ @ luôn rất ngắn. Ví dụ: wá, wyển(quá, quyển); wen (quen); iu (yêu); lun (luôn); bùn (buồn); bit k? (biết không?);mí (mấy) ; dc (được); ko (không); chuối (dở hơi); khoai (khó); phở (đẹp đẽ, ngon lành); vãi (kinh khủng); hic (buồn)…
    Ngôn ngữ chát phát triển sâu rộng tới mức không chỉ tồn tại trong khi chát qua yahoo, các bạn trẻ đã sử dụng nó trong các bài viết trên blog, những bình luận trên facebook và các diễn đàn. Và kiểu ngôn ngữ ấy ngày càng biến thể dưới nhiều dạng khác nhau. Từ chỗ thu gọn, viết tắt đến mức tối thiểu, cho đến cố làm ra dài ngoằng một từ nào đó, sau đó là viết hoa không theo quy luật, rối rắm. Đáng chú ý, do thói quen sử dụng nên nhiều bạn trẻ “bê” ngay thứ ngôn ngữ này vào các tin nhắn điện thoại cho bố mẹ, hoặc thậm chí là trong cả những bài văn viết vội. Thế nên nhiều phụ huynh, giáo viên khi xem xong không thể hiểu nổi con mình, trò mình đang viết gì.
    Không chỉ sáng tạo thêm các ký tự lạ, cách viết khác người, nhiều bạn trẻ còn chêm đệm vô tội vạ nhiều từ tiếng Anh trong cách viết, cách nói. Theo tiến sĩ Mai Xuân Huy, viết tắt trong tiếng Anh thường rất lành mạnh, ví dụ: ASAP – As Soon As Possible; ATB – All The Best; BBN – Bye Bye Now; BBS – Be Back Soon; BF – Boyfriend hay 2U (to You) trong  tên một bài hát rất nổi tiếng “Nothing compares 2U”… còn ở tiếng Việt, viết tắt đôi khi không lành mạnh, tức là cẩu thả, tùy tiện, đánh đố người đọc, chẳng hạn như “2!” (Hi! – xin chào) là từ mượn tiếng Anh nhưng lại ghi âm và đọc kiểu Việt thành ra rất khó đoán biết. Nhất là khi người được chào đáp lại bằng một con số khác “3!”
    …đến tiếng nói người Hà Nội
    Khi hỏi nhiều bạn trẻ về ngôn ngữ mà các em đang sử dụng, lý giải được đưa ra là để tiết kiệm thời gian do viết tắt sẽ nhanh hơn thay vì đánh máy hay nhắn tin đầy đủ ký tự, do cấu tạo của bàn phím điện thoại, máy tính; Các em còn trẻ nên phải có cá tính và phong cách khác những người lớn tuổi và ngôn ngữ là của riêng của các em. Tuy nhiên, lý do được đưa ra nhiều nhất chính là do các bạn khác cũng dùng thế nên ngôn ngữ này trở nên phổ biến và dần sử dụng quen. 
     
    Tuy nhiên, từ việc nhắn tin, đọc chữ, dần dần các em phát âm theo, và rồi “nhiễm”, cách nói chuyện của các em cũng trở nên khó hiểu như ngôn ngữ chát mà các em đang sử dụng. Xu hướng sính ngoại cũng khiến cách nói của các em nửa tây, nửa ta. Ngoài ra, cách xưng hô của một bộ phận giới trẻ cũng không phù hợp có khi khách phương xa hiểu lầm. Là một công chức nghỉ hưu, ông Trần Văn Quân, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội có thói quen “du lịch” quanh Hà Nội bằng xe buýt. Chính vì thế, ông cũng đã được “thưởng thức” không ít câu chuyện của các học sinh sau giờ tan học. Ông lấy làm buồn: “Các học sinh đặc biệt là học sinh nữ xưng hô nghe chướng tai quá! Cứ vô tư cãi cọ hoặc buôn chuyện rôm rả trên xe buýt với những lời lẽ không hay ho cho lắm. Nhất là cách các cháu gọi nhau “chồng ơi”, “vợ à”, “bà bô của tao”, “con bồ của mày” , hoặc lúc lại “ặc”, “ô kê”, “sorry”… Con gái Hà Nội ngày xưa e ấp, dịu dàng, nói chuyện cũng không dám nói to. Trong đám đông thì lại càng phải biết tôn trọng người khác. Họ nói câu nào là ý nhị, hoa mỹ nhưng cũng dễ hiểu”.
    Sự xuất hiện của ngôn ngữ @ là một quy luật của xã hội và ngôn ngữ nhưng quá lạm dụng sẽ dẫn đến ô nhiễm ngôn ngữ trong tiếng Việt. Có nhiều cách để giúp làm sạch và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt như cấm dùng ngôn ngữ chat trong phạm vi công cộng, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Một số trường học đã cho học sinh thảo luận về tác hại của ngôn ngữ @ để giúp các em hiểu và tự sửa chữa. Nhiều thầy cô giáo trừ điểm khi học sinh sử dụng ngôn ngữ chat hoặc yêu cầu học sinh viết đi viết lại nhiều lần một từ mà các em mắc lỗi. Còn tại Hà Nội, việc đưa bộ tài liệu Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh là một giải pháp có hiệu quả. Tuy nhiên, để làm đẹp thêm ngôn ngữ Hà thành thì đòi hỏi mỗi giáo viên, phụ huynh phải chỉ cho học sinh biết đúng sai và giúp các em sửa từng câu, từng từ.
    Tô An


    Điều giản dị:
    Trong cơn bão
     
    Buổi chiều hôm ấy vào giờ tan trường, phụ huynh học sinh đón con từ trường TH Quảng An (quận Tây Hồ) hối hả về nhà tránh mưa. Tại ngã ba Xuân Diệu- Đặng Thái Mai xảy ra ùn tắc do mưa bão bất chợt làm cho một cây đổ chắn mất đường đi, xe cộ ùn ứ lại. Một phụ huynh đi đón con từ trường ra đến đường Đặng Thai Mai vít tay ga, leo dốc để rẽ sang đường Xuân Diệu thì xe khựng lại. Bão quá mạnh, chiếc áo mưa bị hất tung và rách toang, khiến bé gái ngồi phía sau bị mưa xối xả ướt hết người. Cháu kêu to: “Mẹ ơi sách con ướt hết rồi”. Người mẹ chưa kịp gỡ chiếc áo mưa bịt kín mặt, thì chiếc xe máy đổ kềnh, đè lên cả hai mẹ con. Ngay lúc ấy có một thanh niên chạy đến, cởi chiếc áo mưa đang khoác trùm lên người cháu bé và chiếc ba lô đựng sách, mặc cho mưa xối vào mình. Anh giúp người mẹ dựng xe máy lên nét mặt rất tươi: “Chị lên xe đi, cháu đã được em che nilon không bị ướt đâu”. Người mẹ gỡ được áo mưa rách ra khỏi người, nhìn con gái đang khoác chiếc áo mưa rất mới của anh thanh niên, trong khi đó anh thanh niên bị ướt như chuột lột, mà cứ ngớ ra chưa nói được điều gì, thì anh thanh niên nhanh miệng: “Chị và cháu cứ sử dụng cái áo này không phải lăn tăn gì, đằng nào em cũng ướt rồi, không phải trả lại đâu”. Nói xong người thanh niên ngồi lên xe, trước khi nổ máy còn quay đầu lại vẫy chào hai mẹ con thân thiện như người thân quen.
    Chứng kiến cảnh trên, ai có mặt ở đó đều rất cảm động, tôi cố nhìn theo xe của anh thanh niên này, nhưng chỉ kịp nhận ra BKS là 29- M2 còn tiếp những số sau thì không rõ. Tấm áo đi mưa chẳng đáng là bao nhưng tấm lòng của người thanh niên lại quý hơn vàng.
    Thuỳ Mị
     
     
     
     
    Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 33, tháng 10/2012