Back to top

Nỗi khổ…. Hiệu trưởng

  • Reng…Reng…Reng, tiếng chuông điện thoại reo vang, đang tiếp Hội CMHS, cô Thuỷ, Hiệu trưởng một trường Tiểu học của quận Thanh Xuân vội xin lỗi để đứng lên nghe máy. Cô cúp máy sau khi đã nhẹ nhàng từ chối lời đề nghị của ai đó phía đầu dây bên kia. Cô bảo: Lại một nhà xuất bản nói rằng vừa xuất bản cuốn sách mới, các trường bắt buộc phải mua để đưa vào chương trình giảng dạy. Vì vậy, đề nghị gặp Hiệu trưởng để “bàn bạc”…
    Một lát sau, tiếng chuông điện thoại lại cất lên lanh lảnh. Cô Hiệu trưởng nhấc máy, lần này thì cô từ chối thẳng thừng “Trường tôi không đi du lịch ở đâu cả. Thông cảm nhé!”. Nén tiếng thở dài, cô phân bua: Một công ty du lịch đang giới thiệu các “tua” du lịch mới và mời nhà trường tham gia với giá cả ưu đãi, hành trình hấp dẫn, hướng dẫn chuyên nghiệp…Nói chưa dứa lời, điện thoại lại “lên tiếng”. Lại câu trả lời từ chối từ phía cô Hiệu trưởng “Cám ơn, phòng máy vi tính của nhà trường chưa cần bảo dưỡng”. Hoá ra là thêm một lời “đề nghị” của một Cty bảo dưỡng máy vi tính gọi đến cô hiệu trưởng để đặt vấn đề…
    Cuộc họp giữa Ban giám hiệu và Ban đại diện CMHS trường liên tục bị gián đoạn bởi những cú điện thoại “mời chào”. Cô Hiệu trưởng nhẹ nhàng: Mong các bác thông cảm. Không nghe điện thoại thì không được. Nhưng nghe rồi thì phải bất đắc dĩ trả lời những cuộc điện thoại mời chào như vậy. Họ cứ “nhè” Hiệu trưởng mà hỏi. Hầu như ngày nào cũng có những cuộc điện thoại tương tự. Nhiều công ty, đơn vị cứ nghĩ nhà trường là “mối hàng” béo bở để khai thác. Gọi hôm nay không được, vài hôm sau họ lại gọi lại. Thậm chí, có người còn “xưng danh” là người ở Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT để yêu cầu tham gia chương trình này, mua sản phẩm kia. Chẳng biết thế nào mà lần. Kiểu làm phiền này không biết bao giờ mới chấm dứt?
    Rất nhiều Hiệu trưởng rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười” như cô Thuỷ khi phải tiếp nhận những cú điện thoại “bất đắc dĩ”. Cách thức kinh doanh, marketing kiểu này cần phải xem lại, nhất là khi người kinh doanh lại chọn đối tượng khách hàng là…giáo viên và học sinh.
    Ngọc Hà
     
    Cẩu thả?
    Ngày chủ nhật, mấy chị em tụ tập về bên ngoại. Trong các câu chuyện thời sự, có chuyện “rôm rả” nhất, ấy là việc sách dạy chính tả cho học sinh lớp 1 lại sai chính tả đến mức…ngớ ngẩn. Một người đưa ra mấy ví dụ: Vở luyện tập tiếng Việt 1 của NXB Đà Nẵng mắc lỗi trong câu “Dù ai đi ngược về xuôi/ nhớ ngày dỗ (đáng ra là giỗ) Tổ mùng mười tháng Ba ”. không chỉ NXB Đà Nẵng, mà NXB Mỹ thuậttrong phần lấy ví dụ cho vần “ướt” đã minh họa là “thướt đo”. Nhiều phụ huynh đọc xong không hiểu nghĩa “thướt đo” là gì, bởi chữ có nghĩa phải là “thước đo’. Bài tập tiếng Việt thực hành của NXB Đại học Sư phạm dùng sai từ “năn nỉ” thành “năng nỉ”… 
     
    Hiện có rất nhiều loại sách tham khảo, sách nâng cao, dành cho HS bậc tiểu học xuất hiện tràn lan trên thị trường. Đến cả sách của một số NXB có uy tín còn sai vậy, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Để làm tốt cho các năm học sau, rất mong khi xuất bản ra một cuốn SGK cho học sinh cần kiểm tra, rà soát lại cho thật cẩn thận rồi mới tung ra thị trường. Điều chính là các NXB, biên tập viên phải tự khắt khe với sản phẩm của mình. Đừng chỉ lo phần thị trường bán sách, in xong là buông xuôi, để kết quả cho ra những sản phẩm đầy lỗi chính tả như vậy nữa. Chưa bàn đến những lỗi liên quan đến trình độ dịch thuật, ngôn ngữ phức tạp… mà chỉ nói đến những lỗi sơ đẳng trong tiếng Việt mà SGK dành cho trẻ bậc tiểu học đang mắc phải là điều không thể chấp nhận. Đừng để những sai sót không đáng có như kể trên, khiến nhiều phụ huynh băn khoăn, lo lắng khi tìm sách cho con.
    Minh Nguyệt
     
    Chong chóng…trên lớp học!
    Hôm nào đi dạy về, cô giáo Mai, dạy môn Lịch sử ở một trường THCS của thành phố cũng mệt phờ, cứ tưởng làm nghề dạy học không mấy vất vả, ai ngờ…Cô tâm sự: Để đảm bảo chất lượng, khối lượng công việc được giao cho ‘‘hoàn thành nhiệm vụ’’ vào cuối năm học, không bị Hiệu trưởng nhắc nhở, chúng tôi phải quay như chong chóng trên bục giảng…Hiện nay, các trường THCSđang dạy học theo một chương trình khá nặng, đơn cử như môn Lịch sử, có nhiều bài dài dằng dặc chỉ được dạy trong 1 tiết (bài Công xã Pa-ri – lớp 8) mà còn phải kiểm tra bài cũ nữa thì lấy đâu thời gian? Mà đâu phải chỉ truyền tải kiến thức đơn thuần? Chúng tôi còn phải rèn các kĩ năng, giải các bài tập, giúp học sinh trả lời những câu hỏi khó… Nói chung, xin hãy ghé mắt vào SGK của 12 môn học của THCS để được thấy rằng chúng ta đang đào tạo một lớp người ‘‘thần đồng’’, một mẫu người toàn diện tuyệt đối. 
    Và những “thần đồng” ấy ra sao?
    Thu Trang, học lớp 8, trường THCS T.L, sau 2 buổi học ở trường, về nhà ăn uống xong xuôi lại ngồi vào bàn học. Hôm nào cũng vậy, ngoài 11 giờ đêm, Trang mới gập sách để đi ngủ. Bố mẹ thắc mắc: Trên lớp con không tập trung học bài hay sao mà về nhà học nhiều thế? Trang thở dài: Có chứ ạ. Chúng con học như chong chóng nữa là đằng khác. Môn học nào cũng đầy ắp kiến thức, câu hỏi và bài tập. Hết kiểm tra miệng lại đến kiểm tra 15 phút, kiểm tra 1 tiết, kiểm tra giữa kỳ rồi đến kiểm tra học kỳ. Nếu về nhà không học thì không thể hiểu được tất cả kiến thức trong SGK…
    Vậy đâu là nguyên nhân của những chiếc “chong chóng” học đường? Tất cả cũng vì quá tải mà ra cả. Quá tải kiến thức trong SGK, chương trình học khiến không chỉ học sinh mà giáo viên cũng phải quay như chong chóng mới mong hoàn thành được khối lượng kiến thức cần truyền tải trong một tiết học. Quá tải khiến chất lượng giáo dục nhiều khi vẫn mang nặng tính hình thức, đối phó và xem ra cho đến nay vẫn chưa có được giải pháp tối ưu nào cho những chiếc “chong chóng” học đường!?
    Như Hảo
     
    Thờ ơ với thư viện!
    Con gái tôi học lớp 10 một trường công lập của thành phố, cháu thường xin tiền tôi để ra hiệu sách mua sách tham khảo. Có lần tôi hỏi cháu: Sao con không chú ý tìm đọc sách ở thư viện của nhà trường?. Như vậy, sẽ tiết kiệm được thời gian, hơn nữa lại tìm được nhiều cuốn sách hay để tham khảo. Cháu trả lời: “Thỉnh thoảng, những lúc sắp có kiểm tra, chúng con mới vào thư viện tìm tài liệu tham khảo. Nhưng… khó tìm được sách hay để đọc”. Cũng theo lời cháu thì phòng thư viện vừa chật hẹp lại ẩm thấp, sách đã ít lại cũ nằm chỏng chơ trên mấy cái kệ sách cũng không lấy gì làm mới mẻ, báo chí cũng ít ỏi lại số có số không. Trông thư viện giống như một cái “nhà kho” nên học sinh chẳng mấy mặn mà vào đó để mượn sách, dù nhà trường không khắt khe việc trả muộn hay sớm…Vì thế, nếu thấy cần, cứ ra hiệu sách là sẽ có cuốn sách cho riêng mình.  
    Thế hệ chúng tôi đi học những năm 80,90, thư viện là nơi để mượn sách, đọc sách và ngồi học bài, làm bài rất lý tưởng. Có những khi mượn được cuốn sách hay, ngồi đọc quên cả thời gian. Chúng tôi đều có chung cảm nhận, thư viện là kho tri thức vô giá của nhân loại. ấy vậy mà, học sinh ngày hôm nay tỏ ra rất thờ ơ với thư viện. Thậm chí nhiều em trong suốt mấy năm học còn chưa một lần đặt chân vào thư viện, không biết thư viện hoạt động ra sao. Có nhiều lý do cho sự thờ ơ này. Nhưng có một lý do mà ngành Giáo dục cần nhìn nhận là thư viện trường học còn chậm đổi mới trong sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, của sách báo các thể loại. Thời đại ngày nay, ở nhiều trường học của các nước châu á và khu vực, người ta đang xây dựng mô hình thư viện điện tử, thì ở ta, nhiều trường học vẫn còn loay hoay thoát ra khỏi cái khái niệm “kho sách” (!). Điều này vừa lãng phí, vừa không hiệu quả cho công tác dạy và học trong các nhà trường.
    Đình Bảng
     
     
     
     
    Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 33, tháng 10/201