Back to top

Chuẩn đầu ra đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp Ngành Điện Công nghiệp và Dân dụng

  • CHUẨN ĐẦU RA
    NGÀNH ĐIỆN CÔNG NGHIỆP VÀ DÂN DỤNG


    1. Tên ngành đào tạo: Điện công nghiệp và dân dụng

    2. Trình độ đào tạo:    Trung cấp chuyên nghiệp

    3. Mã ngành: 42510308

    4. Đối tượng học sinh: Tốt nghiệp THCS, THPT.

    5. Thời gian đào tạo: 2 năm (học sinh tốt nghiệp THCS học 3 năm)

    6. Giới thiệu tóm tắt về chương trình đào tạo:

       + Đào tạo kỹ thuật viên trình độ Trung cấp chuyên nghiệp có khả năng: lắp đặt, vận hành, sửa chữa điện Công nghiệp và dân dụng. Có hiểu biết về kiến thức cơ sở ngành, kiến thức chuyên ngành ở bậc TCCN.

       + Làm việc được tại các nhà máy, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, chi nhánh điện, các nhà cung cấp dịch vụ và phát triển sản phẩm thuộc lĩnh vực điện trong và ngoài nước; … với vai trò là kỹ thuật viên.

       + Nhận thức được nhu cầu học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ đảm bảo đáp ứng nhu cầu công việc, có đủ điều kiện học liên thông lên Cao đẳng chuyên nghiệp, Đại học cùng chuyên ngành đã được đào tạo.

    7. Những công việc chính học sinh tốt nghiệp có thể làm được:

       – Sử dụng thành thạo các loại dụng cụ đo điện năng: Vônmét, Ampemét, Ampekìm, Đồng hồ đo vạn năng, Mêgômmét, Hioki…

       – Sử dụng thành thạo các dụng cụ an toàn điện, an toàn lao động, an toàn cháy nổ;

       – Sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn điện;

       – Lắp đặt, sửa chữa, bảo trì được mạng điện chiếu sáng, nội thất trong dân dụng và công nghiệp;

       – Sửa chữa, bảo dưỡng, quấn mới được các đồ điện gia dụng như: Nồi cơm điện, bàn là điện, quạt điện các loại, ổn áp, máy biến áp…

       – Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, quấn mới được các loại động cơ điện một chiều và xoay chiều 1 pha, 3 pha, máy biến áp có công suất nhỏ và trung bình;

       – Kiểm tra đánh giá được chất lượng các loại máy điện trước khi đưa vào vận hành;

       – Vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy phát điện xoay chiều 1 và 3 pha;

       – Lắp mạch điện và sửa chữa mạch điện trong các máy công nghiệp;

       – Vận hành và sửa chữa được các khí cụ điện hạ áp như: Công tắc tơ, các loại rơle điện từ, aptômát…

       – Vận hành được hệ thống điều khiển tự động dùng PLC;

       – Vận hành, sửa chữa các thiết bị điện mỏ hầm lò như: Áptômát phòng nổ, khởi động từ phòng nổ, biến áp khoan phòng nổ;

       – Vận hành, sửa chữa nhỏ trạm biến áp công suất nhỏ và trung bình; lắp đặt và sửa chữa đường dây tải điện hạ áp.

    8. Yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ và hành vi khác của học sinh tốt nghiệp.

       Sau khi học xong chương trình này học sinh có khả năng:
       a. Về kiến thức:
       Kiến thức chung:

          + Có kiến thức cơ bản trong lĩnh vực khoa học xã hội và khoa học tự nhiên;

          + Có kiến thức cơ bản về chính trị, giáo dục thể chất, giáo dục An ninh- quốc phòng để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc;

       Kiến thức cơ sở ngành:

          + Sử dụng thành thạo phần mềm tin học văn phòng, các lệnh cơ bản trong Pascal, Proteus để giải quyết các bài toán trong lập trình đơn giản, làm cơ sở cho việc khai thác hiệu quả các phần mềm chuyên ngành điện, điện tử như: PLC để vẽ mạch và mô phỏng các mạch điện.

          + Trình bày được cấu tạo, nguyên lý hoạt động và các quá trình điện – từ – cơ – nhiệt trong các thiết bị điện thông dụng, linh kiện điện tử, mạch điện điển hình.

        Kiến thức chuyên ngành:

          + Trình bày đúng nguyên lý, cấu tạo và các tính năng, tác dụng của các loại thiết bị đo lường điện, khí cụ điện cao áp và hạ áp, máy điện 1 chiều, máy điện xoay chiều 1 pha và 3 pha, khái niệm cơ bản, qui ước sử dụng trong ngành Điện công nghiệp và dân dụng;

          + Hiểu biết một số loại cảm biến như: cảm biến quang, cảm biến tốc độ, cảm biến nhiệt độ;

          + Vận dụng được các nguyên tắc trong thiết kế cung cấp điện và đặt phụ tải cho các hộ dùng điện xác định (1 phân xưởng, một hộ dùng điện).

          + Vận dụng được các nguyên tắc trong lắp ráp, sửa chữa các thiết bị điện.

          + Biết được phương pháp xác định các dạng hư hỏng thường gặp của các thiết bị điện.

          + Trình bày được các quy định về an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp.

       b. Về kỹ năng:

          + Sử dụng thành thạo các dụng cụ đo đếm điện năng thông dụng như Vônmét, Ampemét, Ampekìm, Đồng hồ đo vạn năng, Mêgômmét, Hioki, công tơ 1 pha và 3 pha…

          + Sửa chữa, bảo trì và chỉnh định các thiết bị điện-điện tử trên các dây chuyền sản xuất, đảm bảo đúng trình tự và yêu cầu kỹ thuật.

          + Phán đoán đúng và sửa chữa được các hư hỏng thường gặp trong các hệ thống điều khiển tự động cơ bản.

          + Đọc, hiểu và tự lắp đặt, vận hành được các thiết bị điện, công nghệ hiện đại, nâng cao khi có hướng dẫn lắp đặt và hướng dẫn sử dụng.

          + Vận hành được hệ thống điều khiển tự động công nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống điều khiển PLC, vi điều khiển, hệ thống khí nén, cảm biến;

          + Bảo trì, sửa chữa các thiết bị điện – điện tử, mạch điện trong máy công nghiệp;

          + Lắp đặt và tổ chức lắp đặt đúng yêu cầu kỹ thuật cho hệ thống cấp điện của một xí nghiệp, một phân xưởng vừa và nhỏ đảm bảo an toàn nối đất và an toàn cháy nổ.

          + Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ được các thiết bị điện mỏ hầm lò;

          + Giám sát kỹ thuật cho các bộ phận lắp đặt mạng điện hạ áp và mạch điện điều khiển trong hệ thống điều khiển điện.

        c. Về thái độ:

          + Có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, có tác phong lao động công nghiệp và tôn trọng nội quy của cơ quan, doanh nghiệp;

          + Phát huy năng lực thực hành nghề nghiệp để có thể đảm đương các công việc trong lĩnh vực kỹ thuật điện; có ý thức và khả năng làm việc với hội nhập kinh tế quốc tế;

          + Ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân, làm việc độc lập và làm việc theo nhóm;

          + Có tinh thần cầu tiến, lao động sáng tạo, hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp. Nhận thức được nhu cầu học tập suốt đời.

       d. Ngoại ngữ:

          + Sử dụng được những vốn từ, thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành Điện công nghiệp và dân dụng;

       e. Tin học:

          + Sử dụng thành thạo phần mềm tin học văn phòng;

          + Khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên Internet để phục vụ cho mục đích nghề nghiệp;

       f. Năng lực hành vi khác:

          + Giao tiếp và phối hợp làm việc theo nhóm;

          + Phân tích và giải quyết các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn của ngành học.

          + Tổ chức chỉ đạo tổ, nhóm thực hiện công việc hoặc phối hợp giải quyết công việc; có khả năng tự thành lập nhóm, đội sửa chữa và lắp đặt điện dân dụng.