Back to top

Ký túc xá thời @: “Lên đời” cho ký túc xá

  • Quản lý và phục vụ sinh viên trong KTX đang là bài toán nan giải, phức tạp và khó khăn đối với các trường hiện nay.

    Khép kín dịch vụ

    Hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực bên ngoài cổng trường, việc xây dựng những KTX tương tự như một khu dân cư khép kín với đầy đủ các dịch vụ, đáp ứng mọi nhu cầu của sinh viên đang là mô hình nhiều KTX hướng tới. Trao đổi với ông Trần Phúc Hòa – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ – Nhà ăn – Ký túc xá Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội – được biết, mô hình này đang được nhà trường áp dụng rất hiệu quả.

    Tại trường, khu KTX được xây 9 tầng khang trang, hiện đại với tổ hợp các dịch vụ như nhà ăn, gian hàng sinh viên, siêu thị mini, quán cafe, phòng máy tính, CLB thể hình, khu bóng bàn, thậm chí cả dịch vụ giặt là, cắt tóc gội đầu…

    Hầu như mọi nhu cầu của sinh viên đều có thể được đáp ứng ngay trong khu KTX. Ngoài nhân viên bảo vệ chuyên nghiệp trực 24/24, hệ thống camera được lắp ở các vị trí trọng yếu, hệ thống kép kín này giúp việc quản lý sinh viên dễ dàng hơn, ít tiêu cực phát sinh hơn.

    “Tôi vẫn đang ấp ủ dịch vụ mọi sinh viên trả tiền qua thẻ, từ đóng tiền KTX, tiền điện nước phát sinh hay dịch vụ hàng tháng đều hiển thị qua thẻ. Làm được điều này, sinh viên không có cơ hội nói dối, gia đình cũng có thể quản lý tài chính của con em mình từ xa và hoàn toàn yên tâm với các dịch vụ của nhà trường” – Giám đốc Trần Phúc Hòa tâm sự.

    Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có đủ sự quan tâm và điều kiện để “lên đời” KTX như vậy. Bởi thực tế, vẫn có không ít KTX chật chội, cơ sở vật chất nghèo nàn, xuống cấp. Cộng với nhận thức sinh viên coi KTX là nơi “ở tạm”; công tác quản lý nhiều nơi chưa thực sự được quan tâm, nên một bộ phận sinh viên trong ký túc vẫn mải mê lô đề, thích uống rượu, chơi game hơn thích học…

    Trong khi rất cần sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh, môi trường sư phạm xung quanh ký túc thì nhiều nhà trường chưa thực sự nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề này.

    Vậy nên, Bộ GD&ĐT đã đặt vấn đề với các trường, nâng cấp, cải tạo nơi ở nội trú thành khu vực quản lý khép kín; đầu tư sân chơi, bãi tập, phòng đọc, phòng tự học cũng như tổ chức các dịch vụ phục vụ sinh viên… 

    Với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên nội trú. Tuy nhiên, để công tác nội trú thực sự đi vào nề nếp, điều quan trọng nhất, lãnh đạo mỗi nhà trường cần nhận thức được rằng, ký túc xá không chỉ là đầu mối thông tin, là văn phòng làm việc các tổ chức sinh viên mà còn là nơi có thể phát sinh những bất ổn về an ninh, trật tự.

    Để KTX trở thành vaccine kháng tệ nạn

    Không chỉ sinh viên mà bản thân những người làm công tác quản lý nội trú nhiều khi cũng quan niệm KTX chỉ là nơi ăn ở, sinh hoạt. Bởi thế, nên những ký túc xá có “thương hiệu” hiện nay đều tự “thoát xác”, chuyển từ mô hình quản lý sang mô hình phục vụ để đáp ứng nhu cầu cao hơn của cuộc sống hiện đại, trở thành nơi rèn luyện kỹ năng cho sinh viên trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập, thậm chí cả tạo cơ hội việc làm… Nhu cầu đa dạng của sinh viên được đáp ứng, đó chính là vaccine đề kháng hiệu quả đối với các tệ nạn xã hội ngay trong ký túc và phía ngoài cổng trường.

    Sinh viên các trường trên địa bàn Hà Nội thường rất thích đến KTX Trường ĐH Kinh tế quốc dân vào mỗi thứ sáu; đến để được hòa vào không khí của những điệu đàn réo rắt, những lời ca tiếng hát đầy chất sinh viên. Hình thức “hát cho nhau nghe” như vậy chỉ là một trong số rất nhiều hoạt động được tổ chức tại khu nội trú của trường này để tạo ra cho sinh viên cuộc sống tinh thần lành mạnh.

    Từ năm 2012, Siêu thị NEU Mark  – Trung tâm dịch vụ hỗ trợ đào tạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân (thuộc khu nội trú của trường) chính thức đi vào hoạt động. Thông tin từ ông Cấn Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm, đây là mô hình thực hành nghề nghiệp đầu tiên được triển khai tại trường ĐH này, là nơi để cán bộ, giảng viên, sinh viên có thêm điều kiện trải nghiệm thực tế. Sinh viên có thể thực hành bằng cách tham gia quản lý hoạt động mua bán của siêu thị, hay thấp hơn là bán hàng ngoài giờ lên lớp. 

    “Mức thu nhập cho các hoạt động trên còn cao hơn kinh phí siêu thị bên ngoài trả tiền công cho nhân viên” – ông Cấn Anh Tuấn cho hay.

    Cùng ký kết, cùng chung tay

    Công tác an ninh trật tự trong KTX là vô cùng quan trọng. Do vậy, ngoài tăng cường công tác nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng trong sinh viên cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện mạng lưới an ninh sinh viên. Song song đó là phối hợp chặt chẽ trong công tác tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự. Việc tổ chức các sân chơi CLB đội, nhóm, các hoạt động ngoại khóa… cũng vô cùng quan trọng giúp sinh viên có đời sống tinh thần lành mạnh.

    Là Giám đốc TT quản lý KTX sinh viên DMC- 579 Đà Nẵng – KTX đầu tiên trên địa bàn thành phố được đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ông Nguyễn Văn Quảng quan niệm: Trung tâm và các trường ĐH, CĐ, THCN là đối tác của nhau, có mối quan hệ bình đẳng, hợp tác hỗ trợ cùng phát triển. Do đó, trường và Trung tâm sẽ cùng xây dựng, ký một hợp đồng ghi nhớ và quy chế phối hợp quản lý sinh viên với các điều khoản chặt chẽ, rõ ràng. 

    Bên cạnh đó, hai bên cam kết mở đường link liên kết với website, giúp sinh viên kịp thời nắm bắt các thông tin của nhà trường và trung tâm. Lãnh đạo hai bên tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ nghiệp vụ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệp cũng như để kịp thời cập nhật thông báo các vấn đề phát sinh; tổ chức hội nghị giao ban hàng tháng, quý giữa nhà trường, trung tâm với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

    Có thể nói, để thực hiện tốt việc tổ chức, phục vụ đời sống sinh viên tại KTX cần có sự kết hợp đồng bộ nhiều yếu tố. Từ việc đầu tư đầy đủ về cơ sở vật chất, tạo cơ chế thuận lợi cho việc tổ chức và hoạt động; đến sự phối hợp, thống nhất với các đơn vị trong nhà trường và chính quyền địa phương và đặc biệt là sự quyết tâm, nhiệt tình của đội ngũ trực tiếp làm công tác sinh viên KTX.